Virus Marburg: Cảnh báo cho một loại dịch bệnh “đặc biệt nguy hiểm”

BTV
Th 4 05/04/2023

Sau khi đại dịch COVID – 19 bùng phát khiến cả thế giới chao đảo thì con người tiếp tục phải chịu đựng các đợt dịch bệnh nguy hiểm khác như cúm mùa, đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, sốt xuất huyết, cúm A… và mới đây, Bộ Y tế Việt Nam đã có công văn số 1452/BYT-DP về việc tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Mác-bớc (Marburg), một dịch bệnh được cho là "đặc biệt nguy hiểm".

Virus này đã dấy lên trong lòng mọi người sự sợ hãi, có tỷ lệ tử vong lên đến 88%. Để có kiến thức phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe chính mình, hãy cùng Yuwell tìm hiểu chi tiết về loại dịch bệnh này.

Virus Marburg

Virus Marburg là gì?

Giống như Ebola, virus Marburg bắt nguồn từ loài dơi và lây lan giữa người với người qua tiếp xúc gần với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh hoặc các bề mặt, chẳng hạn như ga trải giường nhiễm virus.

Theo các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), bệnh Marburg do virus Marburg gây ra là một loại sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến các cơ quan của cơ thể và gây chảy máu.

Theo CDC Mỹ, virus Marburg là một loại virus lây truyền từ động vật sang người, cùng với 6 loại virus Ebola tạo nên họ filovirus.

Loại virus hiếm gặp này được xác định lần đầu tiên vào năm 1967 sau khi gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg, Đức và Belgrade.

Khi đó, 31 người tiếp xúc với virus trong khi tiến hành nghiên cứu trên khỉ đã bị bệnh và 7 người đã chết. CDC cho biết dơi ăn quả châu Phi là vật chủ chứa virus.

Triệu chứng sau khi mắc phải virus Marburg

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời gian ủ bệnh Marburg là từ 2 ngày đến 3 tuần.

Các triệu chứng bắt đầu đột ngột với sốt dữ dội và đau đầu. Vài ngày sau khi khởi phát, nhiều bệnh nhân bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng kéo dài tới một tuần.

Theo WHO, các trường hợp nặng có kèm theo chảy máu trong tuần đầu tiên. Một số bệnh nhân nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.

Bệnh nhân cũng bị chảy máu nướu răng, ở mũi và cơ quan sinh dục. Bệnh có thể lan đến hệ thần kinh khiến người bệnh trở nên lú lẫn, dễ cáu gắt và hung dữ.

Hầu hết các trường hợp tử vong sau hơn một tuần mắc bệnh, ngoài ra, WHO cho biết thêm rằng các trường hợp tử vong thường đi kèm với sốc và mất máu nghiêm trọng.

Người bệnh sẽ sốt cao kéo dài, kèm theo nôn mửa, tiêu chảy và đi cầu ra máu

Virus Marburg có dễ lây lan hay không?

Marburg là một loại virus được xem là “đặc biệt nguy hiểm”, tuy nhiên theo nghiên cứu thế giới, virus này không dễ lây lan.

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Toshie của Đại học Nagoya, Nhật Bản cho biết, sẽ rất nguy hiểm nếu để bị mắc bệnh, nhưng nó khác với COVID – 19, bởi COVID – 19 có thể dễ dàng lây cho người khác qua đường hô hấp, còn virus Marburg lây khi phải tiếp xúc rất gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

"Bệnh chỉ lây từ người qua người khi có các cử chỉ gần gũi như ôm hôn, quan hệ tình dục… hay tiếp xúc trực tiếp với máu người bệnh, từ sữa mẹ… nên khả năng lây truyền là không cao như COVID-19. Việc bùng phát dịch bệnh Marburg cũng không dễ, ở Nhật Bản cũng chưa có trường hợp nào bị mắc căn bệnh này và theo như tôi đánh giá thì khả năng virus lây truyền sang Việt Nam là không cao", PGS.TS Toshie nhận định.

Bệnh dịch Margurg “đặc biệt nguy hiểm” nhưng không dễ lây lan

Làm gì để phòng tránh virus Marburg?

Chính vì khả năng lây lan của virus Marburg không đặc biệt nghiêm trọng, do đó, việc phòng ngừa căn bệnh này cũng đơn giản hơn. Cụ thể, để phòng ngừa lây nhiễm virus Marburg, người dân nên tránh ăn hay tiếp xúc động vật hoang dã và tiếp xúc người đi khu vực Tây Phi. Ngoài ra, người có triệu chứng bệnh hoặc có yếu tố nghi ngờ nhiễm virus cần đến cơ sở y tế sớm.

Virus Marburg tuy nguy hiểm, nhưng không dễ lây lan. Đây là nhận định chung của WHO và Bộ y tế. Tuy nhiên, nếu mắc phải loại virus này, tỷ lệ tử vong sẽ dao động từ 24 – 88%.  Vậy nên, tất cả chúng ta phải nắm thật kĩ kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trước các nguy cơ dịch bệnh trước mắt khi vacxin chưa thể ra đời.

 

---

Nguồn tham khảo:

  1. https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/nhung-ieu-can-biet-ve-virus-marburg-gay-benh-sot-xuat-huyet
  2. https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-nhat-ban-noi-gi-ve-benh-marburg-169230323133816467.htm