Top 05 câu hỏi thường gặp nhất về bệnh tiểu đường
BTV
CN 22/10/2023
Theo thống kê vào năm 2014 từ WHO, bệnh tiểu đường đang ảnh hưởng đến 422 triệu người trên toàn cầu. Nếu không có sự tăng cường nhận thức và can thiệp kịp thời, bệnh sẽ trở thành một trong 77 nguyên nhân hàng đầu gây chết người vào năm 2030.(1)
Bởi những biến chứng nặng nề mà bệnh tiểu đường gây ra trên cơ thể bệnh nhân như tai biến mạch máu não, suy thận, tổn thương tứ chi, bệnh về mắt… mà căn bệnh này trở thành một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất, sau ung thư và tim mạch.
Để có cái nhìn tổng quát và rõ ràng hơn về tiểu đường, bài viết hôm nay chúng tôi sẽ đi thống kê các câu hỏi thường gặp và lời giải đáp cho những ai đang quan tâm căn bệnh này. Mời bạn cùng theo dõi.
Bệnh tiểu đường và những tổn thương do biến chứng
Câu hỏi số 1: Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không?
Bệnh tiểu đường là căn bệnh mãn tính, đang ảnh hưởng khoảng 422 triệu người trên toàn thế giới.
Riêng tại Việt Nam, ước tính có 07 triệu người bị tiểu đường, 65% trong số đó không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Về lâu về dài, tiểu đường sẽ kéo theo nhiều hệ lụy và biến chứng về tim mạch, đột quỵ, mù lòa, phẫu thuật chi hay thậm chí là mất mạng (2).
Câu hỏi số 2: Bệnh tiểu đường có lây không?
Việc hiểu sai về một căn bệnh sẽ khiến mọi người có những cách hành xử thận trọng hơn khi tiếp xúc với người bệnh. Không giống như những căn bệnh dễ lây nhiễm như bệnh cảm cúm, sốt xuất huyết, bệnh sởi, ho lao, viêm gan B... bệnh tiểu đường hoàn toàn không bị lây nhiễm.
Bệnh tiểu đường không phải do virus, vi khuẩn hay nấm gây ra nên không thể lây lan từ người này sang người khác. Chính vì vậy, bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi tiếp xúc với bệnh nhân tiểu đường.
Bệnh tiểu đường hoàn toàn không lây nhiễm
Câu hỏi số 3: Bệnh tiểu đường có di truyền không?
Có rất nhiều thông tin cho rằng, nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường đó chính là do di truyền. Vì những người trong cùng một gia đình thường bị mắc bệnh giống nhau. Thực ra, rất khó để xác định xem một người bị bệnh tiểu đường là do di truyền hay do chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh.
Theo nghiên cứu của Trung tâm sức khỏe Cộng đồng Harvard, nguy cơ mắc tiểu đường type 1 của con cái khi có cha hoặc mẹ mắc tiểu đường lần lượt là 10% và 4%. Đối với tiểu đường type 2, nguy cơ này cao hơn nhiều. Nếu có người thân mắc tiểu đường, bạn sẽ dễ bị căng thẳng hơn. Căng thẳng làm tăng đề kháng lnsulin và thúc đẩy bạn ăn đồ ngọt, đồ béo để trấn an. Nguy cơ mắc béo phì, bệnh tiểu đường type 2 cũng từ đó tăng lên. (3)
Bạn có thể hiểu rằng, xác suất những người trong một gia đình bị mắc bệnh tiểu đường thường rất cao, nhưng nguyên nhân thì cũng có thể do di truyền hoặc do họ có chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học giống nhau nên dẫn tới các thành viên đều mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khiến tình trạng bệnh tốt hơn bằng việc thay đổi chế độ ăn uống hợp lý, chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao.
Câu hỏi số 4: Bệnh không có triệu chứng thì tôi có thể phát hiện ra bằng cách nào?
Tuy nói bệnh tiểu đường không có triệu chứng quá rõ ràng, nhưng cả tiểu đường Type 1 và Type 2 đều có một số biểu hiện phổ biến như sau:
- Đi tiểu nhiều lần
- Thường xuyên thấy khát và đói dù bạn mới vừa ăn
- Mệt mỏi, kiệt quệ và mắt mờ
- Vết thương sưng tấy, lâu lành
- Sụt cân dù bạn ăn nhiều hơn (Type 1)
- Đau hoặc mất cảm giác tạm thời ở tay, chân (Type 2).
Đặc biệt, trường hợp phụ nữ mang thai bị bệnh tiểu đường thường không biểu hiện triệu chứng cụ thể, nên cần được kiểm tra định kỳ trong suốt thời gian mang thai.
Một số triệu chứng của tiểu đường
Câu hỏi số 5: Có phải nếu đường huyết giảm thì có thể ngừng điều trị?
Tình trạng lượng đường trong máu cao do tiểu đường có thể giảm xuống mức bình thường nếu bệnh nhân điều trị đúng cách. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hiệu quả của insulin là do sự lão hóa và lối sống đã có từ lâu, vì vậy nếu bệnh nhân ngừng điều trị, tình trạng tăng đường huyết có thể trở lại.
Hơn nữa, vì tăng đường huyết hầu như không có triệu chứng, bản thân bệnh nhân có thể không biết. Nếu được chẩn đoán là bị bệnh tiểu đường, cần thường xuyên đến bệnh viện và tiếp tục kiểm tra tình trạng bệnh, kể cả những người đã điều trị tốt và chỉ số đường huyết được kiểm soát ở mức bình thường. Do đó, lượng đường trong máu giảm không có nghĩa là kết thúc điều trị.