Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ
BTV
Th 3 26/12/2023
Sẽ có 04 tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường để biết được một người có thật sự bị bệnh hay không. Theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn này cần phải được tiến hành một cách kĩ càng để đưa ra kết quả chính chính xác. Xem chi tiết ở bài viết.
Bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính, thuộc top 03 loại bệnh gây chết người chỉ đứng sau ung thư và tim mạch. Do đó, người bệnh cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa biến chứng. Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường sẽ được thực hiện dựa vào 04 xét nghiệm mà bác sĩ sẽ tiến hành sau đây.
Bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường sẽ gây ra những biến chứng gì?
Như đã nói bên trên, nếu không phát hiện và điều trị sớm, đái tháo đường sẽ gây ra những biến chứng sau:
- Biến chứng cấp tính
- Hôn mê nhiễm ceton acid.
- Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.
- Hạ đường huyết.
- Biến chứng mạn tính
- Biến chứng mạch máu lớn: Bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại biên.
- Biến chứng mạch máu nhỏ: Bệnh võng mạc, bệnh thận và bệnh thần kinh do đái tháo đường.
Biến chứng bàn chân tiểu đường
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường
Chẩn đoán đái tháo đường (theo Hiệp Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ – ADA) dựa vào 01 trong 04 tiêu chuẩn sau đây:
- Glucose huyết tương lúc đói (fasting plasma glucose: FPG) ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Bệnh nhân phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 -14 giờ), hoặc:
- Glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g (oral glucose tolerance test: OGTT) ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới: Bệnh nhân nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp, dùng một lượng glucose tương đương với 75g glucose, hòa tan trong 250-300 ml nước, uống trong 5 phút; trong 3 ngày trước đó bệnh nhân ăn khẩu phần có khoảng 150-200 gam carbohydrat mỗi ngày.
- HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm này phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
Nếu không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết (bao gồm tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân), xét nghiệm chẩn đoán a, b, d ở trên cần được thực hiện lặp lại lần 2 để xác định chẩn đoán. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần thứ nhất có thể từ 1 đến 7 ngày.
Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, nên dùng phương pháp đơn giản và hiệu quả để chẩn đoán đái tháo đường là định lượng glucose huyết tương lúc đói 2 lần ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Nếu HbA1c được đo tại phòng xét nghiệm được chuẩn hóa quốc tế, có thể đo HbA1c 2 lần để làm tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường.
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường (ADA)
Điều trị cụ thể khi bị bệnh đái tháo đường
Sau khi xét nghiệm với những tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường, quá trình điều trị cụ thể như sau:
- Bệnh nhân béo phì, thừa cân cần giảm cân, ít nhất 3-7% so với cân nặng nền.
- Nên dùng các loại carbohydrat hấp thu chậm có nhiều chất xơ, không chà xát kĩ như gạo lứt, bánh mì đen, nui còn chứa nhiều chất xơ…
- Đạm khoảng 1-1,5 gam/kg cân nặng /ngày ở người không suy giảm chức năng thận.
- Sử dụng mỡ có chứa acid béo không no một nối đôi hoặc nhiều nối đôi như dầu oliu, dầu mè, dầu lạc, mỡ cá…
- Giảm muối trong bữa ăn, còn khoảng 2300 mg natri/ ngày.
- Chất xơ ít nhất 15 gam/ngày.
- Ngưng hút thuốc lá.
- Uống rượu vừa phải: một lon bia (330 mL)/ngày, rượu vang đỏ khoảng 150-200 mL/ngày.
- Luyện tâp thể dục thường xuyên ít nhất 150 phút/ tuần.
Điều trị cụ thể đái tháo đường theo kế hoạch của bác sĩ
Theo dõi và quản lý bệnh đái tháo đường sau điều trị
Quá trình điều trị bệnh đái tháo đường, tùy vào mức độ sẽ cho người bệnh dùng thuốc và không dùng thuốc. Tuy nhiên, những biện pháp thay đổi lối sống một cách nghiêm túc là điều không thể bỏ qua.
Sau những điều trên, việc theo dõi bệnh tình sẽ phải tiếp tục thực hiện. Cụ thể là:
- Kiểm tra huyết áp, cân nặng, vòng eo: Cần thực hiện mỗi lần khám bệnh;
- Xét nghiệm HbA1c: Mỗi 03 tháng và mỗi 06 tháng cho các bệnh nhân có đường huyết ổn định;
- Xét nghiệm Bilan lipid máu: Tại thời điểm mới chẩn đoán và mỗi năm cho các bệnh nhân chưa dùng thuốc hạ lipid máu. Còn những bệnh nhân đang sử dụng thuốc hạ lipid máu thì do bác sĩ quyết định.
- Xét nghiệm Creatinine, eGFR, tỷ lệ albumin/creatinine: Tại thời điểm chẩn đoán và mỗi năm cho các bệnh nhân chưa có biểu hiện bệnh thận. Nếu bệnh nhân đã có bệnh thận thì sẽ dựa vào tình trạng bệnh nhân để quyết định.
- Khám bàn chân (thần kinh, mạch máu, vết loét, nhiễm trùng da, biến dạng bàn chân): Tại thời điểm chẩn đoán và mỗi năm.
- Soi đáy mắt có làm dãn đồng tử: Tại thời điểm mới chẩn đoán và mỗi năm 1 – 2 lần nếu chưa có biểu hiện bệnh võng mạc đái tháo đường.
- Điện tâm đồ: Tại thời điểm mới chẩn đoán và mỗi năm cho các bệnh nhân trên 40 tuổi và trên 30 tuổi có bệnh đái tháo đường.
Kiểm tra và xét nghiệm thường xuyên
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ đã xác định rõ những cách phát hiện và khẳng định bệnh đái tháo đường. Sau quá trình chẩn đoán chính xác trên, bệnh nhân cần chú ý theo dõi và quản lý bản thân một cách chặt chẽ để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm do bệnh tiểu đường gây ra.
Đừng quên đo đường huyết bằng máy đo đường huyết mỗi ngày để kiểm soát đường trong cơ thể!
---
Nguồn tham khảo: