Tăng huyết áp cấp cứu là gì? Có nguy hiểm không? Nguy hiểm ở mức nào?
BTV
Th 5 02/11/2023
Tăng huyết áp cấp cứu chỉ chiếm khoảng từ 1 – 3% trong tỷ lệ 40% trường hợp người bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, đây là tình trạng nguy hiểm khi huyết áp tâm thu tăng trên mức 180 mmHg. Nếu không xử lý kịp thời sẽ gây ra thiệt mạng cho người bệnh.
Trong tổng số người bị tăng huyết áp hiện nay, có rất ít trường hợp tăng huyết áp cấp cứu (còn được gọi là cơn tăng huyết áp), nhưng một khi xảy ra trường hợp này, nếu bệnh nhân không được đưa đến ngay với cơ sở y tế và xử lý hạ huyết áp kịp thời sẽ dẫn đến các tổn thương nặng nề cho não, tim, thận hoặc thậm chí nặng hơn nữa là tử vong tại chỗ.
Vậy thì vì sao lại nguy hiểm đến mức ấy, cách nào để xử lý hoặc phòng ngừa, hãy đọc bài viết sau đây.
Tăng huyết áp cấp cứu nguy hiểm thế nào?
Định nghĩa
Tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng huyết áp tăng rất cao, với chỉ số huyết áp tâm thu đo được là >180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương đo được là >120 mmHg.
Tăng huyết áp cấp cứu có biểu hiện đe dọa hoặc tổn thương cơ quan đích, khiến cơ quan đó bị suy giảm chức năng tiến triển hoặc khởi phát.
Tổn thương các cơ quan đích thường gặp là bệnh não tăng huyết áp, xuất huyết nội sọ, đột quỵ thiếu máu não, nhồi máu cơ tim cấp, đau ngực không ổn định, phình tách động mạch chủ suy thận cấp…
Trong tăng huyết áp cấp cứu, tần suất tăng lên của huyết áp quan trọng hơn chỉ số huyết áp là bao nhiêu. Các bệnh nhân có tăng huyết áp mãn tính từ trước thì dung nạp tốt hơn các bệnh nhân không có tiền sử tăng huyết áp trước đó.
Tăng huyết áp đột ngột khiến cơ quan trong cơ thể không kịp phòng tránh
Phân loại
Phân loại theo Chẩn đoán và điều trị hiện nay
- Tăng huyết áp kịch phát (Hypertensive urgencies);
- Tăng huyết áp khẩn cấp (Accelerated hypertensive);
- Tăng huyết áp ác tính (Malignant hypertensive), là loại tăng huyết áp gây tổn thương cơ quan đích không hồi phục, ít đáp ứng với thuốc điều trị.
Tất cả các cơn tăng huyết áp cấp cứu này đều có huyết áp tâm trương đo được lớn hơn 120mmHg.
- Phân loại theo Ủy ban quốc gia chung về tăng huyết áp
- Tăng huyết áp kịch phát (Hypertensive Urgencies) là cơn tăng huyết áp đột ngột và không kèm tổn thương cơ quan đích, có chỉ số huyết áp tâm thu > 220mmHg và tâm trương > 120mmHg. Mục tiêu điều trị cơn tăng huyết áp kịch phát là hạ huyết áp trong vòng 14 – 48 giờ bằng cách dùng thuốc có thể dùng thuốc đường uống (ưu tiên thuốc lợi tiểu đường uống).
Bệnh nhân bị tăng huyết áp cấp cứu kịch phát được theo dõi tại bệnh viện trong 24 – 48 giờ hoặc nhiều hơn về khả năng đáp ứng với thuốc và tác dụng phụ hay biến chứng.
- Tăng huyết áp khẩn cấp (Hypertensive Emergencies) là cơn tăng huyết áp có kèm tổn thương cơ quan đích. Mục tiêu điều trị cơn tăng huyết áp khẩn cấp là phải hạ huyết áp trung bình xuống 25% hay huyết áp tâm trương < 110 mmHg trong vài phút đến vài giờ.
Theo dõi và chẩn đoán để xử lý nhanh chóng cơn tăng huyết áp
Chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp cấp cứu
Dựa các biểu hiện bên dưới để chẩn đoán bệnh:
- Đau đầu dữ dội, xuất huyết não, đột quỵ;
- Bị suy tim trái cấp (khó thở, hen tim);
- Đáy mắt bị tổn thương độ 3 – 4 (xuất huyết, phù gai);
- Bị suy thận cấp;
- Phình bóc tách động mạch chủ;
- Xuất huyết hệ động mạch cảnh ngoài.
Khi bị tăng huyết áp cấp cứu, người bệnh cần phải được hạ huyết áp trung bình xuống 25% hay huyết áp tâm trương xuống < 110 mmHg trong vòng vài phút đến vài giờ sau đó. Cần phải theo dõi sát sao quá trình này vì tổn thương cơ quan đích có thể xảy ra hoặc biến chứng càng nặng nề thêm nếu huyết áp tăng hoặc giảm quá nhanh. Nếu triệu chứng xấu hơn trong quá trình giảm huyết áp thì cần phải làm chậm lại hoặc ngừng tạm thời để an toàn hơn cho người bệnh.
Tóm tắt lại quy trình chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp cấp cứu như sau:
- Để đánh giá một bệnh nhân tăng huyết áp cấp cứu là xác định có sự hiện diện hay vắng mặt của tổn thương cơ quan đích.
- Đánh giá tổn thương cơ quan đích dựa vào triệu chứng chính của bệnh nhân, thông qua kết quả lâm sàng, kết quả thường quy và các xét nghiệm chuyên sâu.
- Sau khi khẳng định là tăng huyết áp cấp cứu, các bệnh nhân cần được xác định các trường hợp cần có chỉ định điều trị riêng đặc biệt (ví dụ: đột quỵ, tăng huyết áp cấp tính ở phụ nữ mang thai, bóc tách động mạch chủ).
- Với các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu nói chung (không bao gồm chỉ định điều trị riêng đặc biệt), mục tiêu điều trị trong 60 phút đầu là giảm huyết áp tâm thu xuống không quá 25%.
- Các trường hợp đặc biệt cũng có mục tiêu điều trị riêng cũng như thuốc chỉ định ưu tiên riêng.
- Mục tiêu của việc điều trị là giảm huyết áp theo mức độ từ từ, tránh tình trạng giảm huyết áp đột ngột và tác dụng phụ của thuốc.
- Cần nắm vững kiến thức là dược lực học và dược động học của thuốc điều trị cũng như tác dụng phụ của thuốc để xử lý an toàn và hiệu quả cho người bệnh.
Tăng huyết áp cấp cứu có rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó thường liên quan đến nữ giới, thừa cân, béo phì, có bệnh động mạch vành, có cơn suy tim do tăng huyết áp gây ra, … và phần lớn là do người bệnh không tuân thủ theo phác đồ điều trị tăng huyết áp ban đầu được chỉ định bởi bác sĩ chuyên trị. Vì thế, để phòng tránh những cơn tăng huyết áp đột ngột này, bạn cần phải tuân theo nguyên tắc của bác sĩ, thay đổi chế độ ăn uống một cách hợp lý và khoa học, đồng thời tập luyện thể thao mỗi ngày để cơ thể tạo ra một “bức tường” khỏe mạnh hơn, chống lại các tình huống nguy hiểm xảy ra bất ngờ do huyết áp gây nên.
---
Nguồn tham khảo:
(*) Khuyến cáo chẩn đoán và xử trí THA Phân hội THA/Hội Tim Mạch học Việt nam
2018
(*) Hướng dẫn về Phòng chống, Phát hiện, Đánh giá và Xử trí Tăng huyết áp ở người
lớn. 2017, ACC/AHA/AAPA/ABC/ACPM/AGS/APhA/ASH/ASPC/ NMA/PCNA,
134:143