Sự nguy hiểm của rối loạn đường huyết lúc đói
BTV
Th 2 14/08/2023
Rối loạn đường huyết lúc đói có thể là một tình trạng sinh lý bình thường của cơ thể nhưng cũng có thể là một biểu hiện bệnh lý nguy hiểm. Để hiểu rõ hơn về tình trạng rối loạn này, hãy theo dõi bài viết sau đây.
Đường huyết lúc đói là chỉ số đường glucose máu đo lường được lúc đói. Trong vòng 08 tiếng chưa ăn uống bất kỳ thứ gì có chứa tinh bột hoặc đường. Chỉ số đường huyết lúc này hỗ trợ tốt cho việc đánh giá hiệu quả chữa bệnh. Vậy khi bị rối loạn đường huyết lúc đói sẽ ảnh hưởng thế nào đến cơ thể?
Rối loạn đường huyết lúc đói
Xét nghiệm chỉ số đường huyết lúc đói có ý nghĩa gì?
Để biết được rối loạn đường huyết lúc đói gây ra những nguy hiểm gì, chúng ta cùng xem ý nghĩa của đường huyết trong thời điểm này với cơ thể.
Xét nghiệm đường huyết lúc đói là phương pháp nhanh gọn, đơn giản nhất để chẩn đoán ra bệnh tiểu đường. Chỉ số đường glucose trong máu lúc đói hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường đo lường được hiệu quả điều trị bệnh.
Khi chúng ta ăn các thực phẩm có nhiều chất đường, bột thì sẽ chuyển đổi sang đường glucose và làm cho mức đường huyết trong máu tăng lên. Lúc này, insulin được sinh ra từ tuyến tụy tức thì, chất này sẽ giúp vận chuyển đường trong máu vào các tế bào để cơ thể sử dụng và tích trữ một lượng ở gan dưới dạng glycogen. Trong mỗi bữa ăn, glycogen sẽ được giải phóng dần dần thành glucose và ổn định mức đường huyết. Đối với các bệnh nhân tiểu đường, tuyến tụy sẽ giảm khả năng sản sinh insulin, hay insulin không được dùng đúng cách hoặc kết hợp cả 2 nguyên nhân đó, làm cho đường tích tụ trong máu không thể đi vào tế bào được.
Nếu như bệnh nhân tiểu đường không được điều trị kịp thời thì đường huyết có trong máu sẽ tăng cao dẫn tới nột số những biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Xét nghiệm chỉ số đường huyết lúc đói sẽ giúp bạn phòng ngừa các biến chứng hiệu quả.
Xét nghiệm chỉ số đường huyết lúc đói
Như thế nào là rối loạn đường huyết lúc đói?
Mức độ đường huyết lúc đói của người bình thường nằm trong khoảng từ 3,9 – 5,6 mmol/L (70 – 100 mg/dL).
Nếu đường huyết nằm ngoài khoảng này nghĩa là bạn đã bị rối loạn đường huyết khi đói và gây nên những bệnh nguy hiểm.
- Nếu đường huyết nằm dưới 3,9 mmol/L thì bạn đang bị hạ đường huyết;
- Nếu đường huyết nằm trên 5,6 mmol/L thì bạn đang bị tăng đường huyết và nguy cơ bị bệnh tiểu đường.
Nguyên nhân nào gây ra rối loạn đường huyết?
Trên thực tế, đường huyết của chúng ta sẽ không cố định ở một chỉ số nhất định mà sẽ thay đổi theo thời điểm làm việc, ăn uống và vận động. Tuy nhiên bạn bị rối loạn đường huyết lúc đói nghiêm trọng sẽ do các nguyên nhân sau:
- Đường huyết tăng lên nhanh khi chúng ta hấp thụ quá nhiều tinh bột, đường… trong thức ăn. Trong trường hợp bình thường, cơ thể sẽ tiết ra hocmon điều chỉnh đường huyết (insulin) để đưa chỉ số này về mức an toàn. Nhưng nếu người bị bệnh tiểu đường, việc hấp thu quá nhiều thực phẩm chứa đường sẽ làm cơ thể bị tăng đường huyết nhanh chóng, gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, đường huyết lúc đói sẽ tăng lên khi chúng ta căng thẳng, áp lực và lo âu nhiều ngày.
- Đường huyết bị tụt xuống nhiều do cơ thể bị đói trong khoảng thời gian dài hoặc do vận động quá sức.
Bên cạnh đó, dùng thuốc hạ đường huyết cũng làm mức đường huyết bình thường hạ xuống nhanh hơn.