Chăm sóc sức khỏe khi bị cảm cúm đúng cách giúp bệnh nhanh khỏi

Chieu Dang
Th 3 16/08/2022

Cảm cúm là bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa ở những người có đề kháng kém như trẻ em, phụ nữ mang thai hay người cao tuổi. Đây là bệnh lý khá lành tính, thường tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, để giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của bệnh, bạn hãy lưu ý những điều sau nhé.

Cảm cúm là bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa

Nguyên nhân và triệu chứng cảm cúm

Nguyên nhân gây cảm cúm là do virus Influenza và đây là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp. Khi bạn trực tiếp nói chuyện với người bệnh mà cả 2 không đeo khẩu trang, hoặc bạn vô tình chạm phải những đồ vật đã nhiễm virus do người bệnh ho, hắt hơi hoặc chạm vào, bạn có nguy cơ cao cũng sẽ mắc cảm cúm.

Các triệu chứng cảm cúm: Sốt cao, có thể lên đến 39-40 độ C, thân nhiệt không ổn định, có cảm giác ớn lạnh hoặc rét run, nhức đầu, ù tai, chóng mặt, hoa mắt, hắt hơi, sổ mũi, ho, khàn tiếng…

Bí quyết giảm nhẹ các triệu chứng cảm cúm

Vệ sinh mũi sạch sẽ

Việc làm đơn giản này giúp ngăn chặn sự xâm nhập của chất nhầy vào sâu bên trong mũi, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Để thực hiện, bạn đặt một ngón tay lên cánh mũi, ấn nhẹ để bịt kín một bên mũi và thở mạnh ra bằng lỗ mũi còn lại để hỉ mũi. Trước và sau khi hỉ mũi nên rửa tay kỹ để tránh lây bệnh cho người xung quanh.

Vệ sinh họng bằng nước muối loãng

Súc miệng bằng nước muối 3-4 lần/ngày trong thời gian bị cảm cúm giúp làm dịu đi tức thời những cơn đau rát họng và hỗ trợ kháng viêm hiệu quả. Bạn có thể mua nước muối sinh lý ở các nhà thuốc hoặc dùng nước ấm pha loãng cùng muối tinh đều được.

Tắm nước ấm dưới vòi sen

Đây là cách giúp bổ sung hơi nước, giữ ẩm và thông mũi hiệu quả, khiến việc hít thở trở nên dễ dàng hơn. Trong thời gian bị cảm cúm, bạn tuyệt đối không được tắm nước lạnh vì sẽ làm cho nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, khiến tình trạng bệnh nặng hơn, bên cạnh đó cũng không nên tắm quá lâu nhé.

Tắm nước ấm dưới vòi sen

Uống nhiều nước ấm

Uống nhiều nước ấm giúp tan đờm, giảm ho và làm dịu cơn đau họng. Để hỗ trợ điều trị cảm cúm hiệu quả, bạn có thể uống trà gừng hoặc mật ong pha cùng chanh với nước ấm.

Dùng tinh dầu

Tinh dầu tràm, bạc hà, hương thảo… có tác dụng rất tốt trong việc phòng và điều trị cảm cúm thông thường. Bạn có thể thoa tinh dầu vào lòng bàn chân, thái dương, tắm với nước ấm có hoà một vài giọt tinh dầu hoặc xông tinh dầu bằng máy khuếch tán/đèn xông để tinh thần cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Nhớ chọn mua các loại tinh dầu nguyên chất từ các thương hiệu uy tín nhé.

Nghỉ ngơi và thư giãn

Khi bị cảm cúm, bạn nên tạm gác lại công việc và dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Bạn cũng nên hạn chế nằm phòng máy lạnh vì sẽ khiến các triệu chứng khan cổ, khàn tiếng trầm trọng thêm.

Uống thuốc hạ sốt

Nếu bị sốt cao trên 38,5 độ, bạn có thể uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ và bổ sung thêm vitamin C. Tuy nhiên những người bị cảm cúm có tiền sử loét dạ dày – tá tràng không được uống aspirin, APC, vitamin C.

Xông mũi họng

Xông bằng các loại lá thơm như lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, kinh giới, bạc hà, lá sả, húng chanh, húng quế,… là giải pháp hiệu quả và đơn giản giúp làm thông mũi, giải cảm, toát mồ hôi độc ra ngoài và tạo cảm giác dễ chịu, thư giãn cho cơ thể.

Nếu cần thiết, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để được chỉ định xông khí dung giúp làm giảm các triệu chứng về đường hô hấp do cảm cúm hiệu quả nhé.

Xông khí dung giúp làm giảm các triệu chứng về đường hô hấp do cảm cúm hiệu quả

Kê cao gối khi ngủ

Triệu chứng ngạt mũi do cảm cúm sẽ xu hướng bị nặng hơn khi bạn nằm. Việc kê thêm gối để đầu đặt ở vị trí cao hơn khi ngủ sẽ giúp bạn hít thở dễ dàng và thoải mái hơn, mang đến một giấc ngủ ngon hơn.

Lưu ý: Bị cảm cúm thường có triệu chứng sốt, tuy nhiên sau 7 ngày vẫn không giảm sốt hoặc tái sốt thì bạn cần đến cơ sở y tế ngay vì có thể bị bội nhiễm vi khuẩn và các biến chứng nguy hiểm khó lường khác.

Lưu ý đối với người bị cúm và người chăm sóc bệnh nhân cảm cúm

Đối với bệnh nhân mắc cảm cúm

- Cần cách ly với những người khác trong nhà ít nhất là 5 ngày sau khi có các triệu chứng, đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ em, người đang điều trị bệnh mãn tính,...

- Nên hạn chế ra ngoài. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang y tế,che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn chất dịch, tránh nguy cơ lây bệnh cho người khác.

Nên ăn thức ăn giàu vitamin C giúp giảm và ngăn ngừa cảm cúm hiệu quả

Đối với người chăm sóc bệnh nhân mắc cảm cúm

- Đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với người cảm cúm, thường xuyên rửa tay sau và trước khi tiếp xúc với bệnh nhân bằng nước rửa tay diệt khuẩn.

- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, gia vị làm ấm cơ thể và có tính kháng khuẩn như hành, tỏi, gừng… ăn nhiều rau quả trái cây tươi chứa nhiều vitamin C như chanh, cam, quýt…

- Đồ dùng của người cảm cúm nên dùng riêng, không ôm áo quần bẩn của người bệnh vào người.

- Không ăn thức ăn thừa của người bị cảm cúm.

Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.