Các triệu chứng, dấu hiệu bệnh viêm phế quản
Chieu Dang
CN 21/08/2022
Ngày nay, viêm phế quản là căn bệnh rất hay gặp phải bởi những tác động không tốt từ môi trường và đời sống sinh hoạt của chúng ta. Ngoài các triệu chứng như ho, khạc đờm, thì các triệu chứng, dấu hiệu bệnh viêm phế quản thể hiện ra là gì và cách phòng tránh như thế nào? Hãy cùng Yuwell tìm hiểu để giải đáp những thắc mắc này nhé.
Bệnh viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là căn bệnh liên quan đến ống dẫn khí nằm trong hệ hô hấp dưới của con người. Phế quản là cơ quan nối tiếp bên dưới khí quản, sau đó phân thành các nhánh nhỏ sâu bên trong phổi hình thành cây phế quản. Viêm phế quản chỉ tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản, ảnh hưởng đến tình trạng dẫn khí vào phổi, các tổn thương gây ra nhiều triệu chứng, trong đó điển hình nhất là các cơn ho, đờm. Có 2 nhóm bệnh viêm phế quản là:
Viêm phế quản cấp tính: Đây là giai đoạn phế quản bị nhiễm trùng ngắn hạn, niêm mạc phế quản chưa có sự tổn thương. Thông thường, nguyên nhân gây bệnh là do virus và bệnh kéo dài khoảng vài tuần.
Viêm phế quản mạn tính: Khi thể cấp tính có biến chuyển xấu đi sẽ thành viêm phế quản mạn tính. Ở giai đoạn này, ống phế quản sẽ liên tục bị kích thích, từ đó dẫn đến các biến chứng bệnh nguy hiểm và tình trạng bệnh kéo dài từ vài tháng đến vài năm.
Viêm phế quản dẫn đến tình trạng khó thở
Bệnh viêm phế quản có nguy hiểm không?
Một khi phát hiện bệnh viêm phế quản cấp tính nếu không được điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phế quản phổi khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc hô hấp. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh viêm phế quản
Thông thường, ở người lớn nếu mắc phải viêm phế quản sẽ có các triệu chứng như:
Ho kéo dài có khi ho ra chất nhầy hoặc có lẫn máu
Hay cảm thấy mệt mỏi, khó thở
Nóng sốt
Tức ngực
Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bị viêm phế quản sẽ có thêm một số triệu chứng như:
Trẻ bị khàn giọng
Chảy nhiều nước mũi
Nghẹt mũi
Phát ban
Đỏ mắt
Sưng hạch bạch huyết
Do cơ địa của mỗi người khác nhau nên khi mắc bệnh viêm phế quản, có thể sẽ bộc lộ những dấu hiệu bất thường khác không giống hoàn toàn với những triệu chứng nêu trên. Vì thế, khi có bất kỳ dấu hiệu nào khác thường thì hãy đến thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ. Bên cạnh đó, khi bệnh viêm phế quản bạn sẽ khó phân biệt được tình trạng của mình là cấp tính hay mạn tính. Để an toàn, hãy đến bệnh viện để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị, bạn chỉ cần tuân theo những chỉ định đó.
Trẻ em và người cao tuổi là đối tượng dễ mắc phải viêm phế quản
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản
Tùy thuộc vào loại viêm phế quản bạn gặp phải mà có nguyên nhân gây bệnh khác nhau, chẳng hạn như:
Viêm phế quản cấp tính
Nguyên nhân thường xuất phát từ nhiễm trùng, bao gồm vi khuẩn và các loại virus gây ra cảm lạnh hoặc cảm cúm.
Thường xuyên tiếp xúc với các chất kích thích phổi và phế quản như hút thuốc lá chủ động lẫn bị động, khói, bụi ô nhiễm từ môi trường,…
Người sinh sống và làm việc trong môi trường có không khí ô nhiễm lâu ngày sẽ có nguy cơ cao mắc phải viêm phế quản cấp tính.
Viêm phế quản mạn tính
Viêm phế quản mạn tính có nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng viêm phế quản cấp tính cứ lập đi lặp lại liên tục gây tổn thương phổi và phế quản nghiêm trọng.
Yếu tố di truyền.
Tiền sử mắc bệnh hô hấp hoặc trào ngược dạ dày thực quản.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản
Ngoài những nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm phế quản thì các yếu tố sau cũng góp phần làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh này. Chúng bao gồm:
Nghiện hút thuốc: khói thuốc lá chính là yếu tố hàng đầu gây ra tổn thương cho phế quản gây tổn thương và viêm đường phế quản.
Trào ngược dạ dày: Khi bị trào ngược dạ dày thường xuyên sẽ làm cho cổ họng dễ bị kích ứng, từ đó tạo điều kiện cho tình trạng viêm phế quản phát triển.
Sức đề kháng yếu: Khi cơ thể bạn có sức đề kháng bị yếu đi do bệnh nền khiến các vi sinh vật gây bệnh có cơ hội tấn công phế quản.
Làm việc trong môi trường đầy chất kích thích phổi: những môi trường làm việc chứa nhiều cát, bụi, hóa chất dạng khí sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản người lớn.
Hen suyễn và dị ứng: những người có tiền sử hen suyễn hoặc dị ứng cũng rất dễ gặp phải căn bệnh này.
Tuổi tác: Ở lứa tuổi trẻ nhỏ và người cao tuổi có nguy cơ mắc nhiễm trùng cao hơn so với người trưởng thành. Chính vì thế cần quan tâm và chăm sóc trẻ sơ sinh và người cao tuổi nhiều hơn để phòng ngừa viêm phế quản.
Khói thuốc lá là một trong những yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản
Cần giữ thói quen gì để phòng ngừa bệnh viêm phế quản?
Những thói quen trong cuộc sống hàng ngày rất quan trọng, chúng có thể khiến bạn mắc phải một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, cũng chính những thói quen thường ngày nếu tốt cũng sẽ giúp bạn tránh xa những bệnh gây hại:
Hãy tránh xa các chất kích thích như rượu, bia và thuốc lá.
Nếu phải hoạt động trong môi trường có không khí bị ô nhiễm nặng thì hãy đeo khẩu trang, mặt nạ chuyên dụng để bảo vệ sức khỏe của mình.
Sử dụng máy xông khí làm ẩm, lọc sạch không khí và diệt khuẩn để môi trường sống của bạn được sạch sẽ, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp.
Trang bị cho gia đình của mình nhiệt kế điện tử để có thể thường xuyên theo dõi sức khỏe, theo dõi thân nhiệt và phát hiện ra sốt kịp thời.
Sử dụng máy xông khí dung nếu mắc phải các bệnh về hô hấp để máy chuyển đổi thuốc thành dạng sương đưa vào sâu khí quản, nơi bị tổn thương và thẩm thấu thuốc nhanh hơn, hỗ trợ cho việc điều trị.
Trên đây là những thông tin cơ bản về các triệu chứng, dấu hiệu bệnh viêm phế quản. Hi vọng qua bài viết này bạn sẽ hiểu rõ bệnh hơn để có thể chăm sóc sức khỏe cho gia đình mình cách tốt hơn. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin cũng như tính năng của nhiệt kế và máy xông khí dung Yuwell tại đây để lựa chọn sản phẩm thích hợp cho gia đình mình.