Biến chứng tiểu đường đe dọa tính mạng đến mức nào?
BTV
Th 3 04/07/2023
Ảnh hưởng thần kinh, mù lòa, suy thận hoặc suy tim… chính là những biến chứng tiểu đường gây ra trên cơ thể người bệnh. Đâu là nguyên nhân và cách phòng tránh nguy cơ diễn biến phức tạp của biến chứng này, đọc bài viết bạn sẽ rõ.
Có thể nói, bệnh tiểu đường mang đến cho người bệnh những ám ảnh khôn lường, nếu không phát hiện sớm và có kế hoạch điều trị kịp thời sẽ có nhiều nguy cơ biến chứng tiểu đường nghiêm trọng, không chỉ tổn thương các cơ quan đích mà còn thiệt mạng nếu nặng hơn.
Biến chứng tiểu đường nguy hiểm đến đâu?
Biến chứng tiểu đường
Phần lớn nguyên nhân gây ra bệnh hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng nào chứng minh, ngay cả triệu chứng của bệnh cũng giống như những loại bệnh thông thường mà chúng ta vẫn thường hay gặp, vì thế, sự phát hiện không kịp lúc, đồng thời không tuân thủ đúng nguyên tắc khám chữa bệnh đúng và đủ, bệnh tiểu đường sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng được liệt kê như sau:
- Suy tim
Biến chứng tim mạch thường tiến triển âm thầm, đến khi có triệu chứng (đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi, hồi hộp…) thì bệnh đã nặng. Có đến 65% trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim, đột quỵ não ở người tiểu đường lâu năm xuất phát từ nguyên nhân này.
Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới khuyến cáo: việc điều trị sớm biến chứng tim mạch ở người bệnh tiểu đường quan trọng như giảm đường huyết.
- Tổn thương thần kinh
Tại thời điểm chẩn đoán đã có 50% người bệnh tiểu đường tuýp 2 bị biến chứng thần kinh. Trong đó bao gồm cả biến chứng thần kinh ngoại biên (tê bì chân tay, nóng rát, kiến bò trên da…) và biến chứng thần kinh tự chủ (nhịp tim nhanh khi nghỉ, bị táo bón, tiêu chảy đan xen…). Biến chứng thần kinh tiểu đường làm tăng nguy cơ tàn phế do gây biến dạng bàn chân (bàn chân charcot), loét chivà hoại tử chi.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, cùng với việc ổn định đường huyết, sử dụng Alpha lipoic acid kết hợp với một số hoạt chất sinh học từ tự nhiên có khả năng cải thiện hiệu quả biến chứng thần kinh ở giai đoạn sớm.
- Suy thận cấp tính
Biến chứng thận có thể xuất hiện ngay tại thời điểm chẩn đoán (type 2) hoặc sau 10 năm mắc bệnh (type 1). Nếu không điều trị tốt, chỉ sau khoảng 5 - 10 năm, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn suy thận nặng.
Trong giai đoạn đầu, bệnh thận từ tiểu đường thường khó nhận biết. Nhưng nếu thấy cơ thể mệt mỏi, ngứa, tiểu đêm nhiều, nước tiểu sủi bọt có mùi hôi hoặc màu vàng đậm, cần sớm làm xét nghiệm nước tiểu tìm vi đạm niệu (microalbumin) để xác định có biến chứng tiểu đường ảnh hưởng đến thận hay không.
Biến chứng thận
- Bệnh võng mạc mắt
Võng mạc mắt là một lớp mô mỏng nằm sâu trong đáy mắt. Trên bề mặt của võng mạc tập trung toàn bộ các mạch máu nhỏ (vi mạch) nuôi dưỡng mắt và các dây thần kinh thị giác. Đường trong máu tăng cao sẽ làm hư hại các mạch máu và thần kinh này.
Biến chứng mắt sẽ khiến người bệnh bị đau tức trong hốc mắt, mỏi và mờ mắt, xuất hiện nhiều đốm đen lởn vởn trước mắt, nhìn mọi vật không sắc nét. Nặng hơn là xuất huyết trong mắt, gây bong võng mạc mắt và mù vĩnh viễn.
- Biến chứng trên bàn chân
Biến chứng bàn chân là hậu quả của nhiều biến chứng phối hợp: thần kinh ngoại biên, mạch máu và nhiễm trùng. Người bệnh bị giảm cảm giác ở chân nên khó phát hiện vết thương. Cộng thêm hệ miễn dịch suy giảm và mạch máu bị tổn hại khiến vết thương rất lâu lành.
Các chuyên gia cảnh báo: ở người tiểu đường, chỉ một vết xước nhỏ cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng, loét, hoại tử và đoạn chi. Ổn định đường huyết và chăm sóc bàn chân mỗi ngày có thể giảm biến chứng này.
Biến chứng trên bàn chân
- Ketoacidosis tiểu đường
Ketoacidosis tiểu đường (DKA) là một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê do tiểu đường (bất tỉnh trong một thời gian dài) hoặc thậm chí tử vong. Khi các tế bào trong cơ thể không nhận được glucose cần thiết để sản sinh năng lượng, cơ thể bạn sẽ bắt đầu đốt cháy chất béo để lấy năng lượng, tạo ra ketone. Ketone là hóa chất mà cơ thể tạo ra khi phân hủy chất béo thành năng lượng. Cơ thể làm điều này khi nó không có đủ insulin để sử dụng glucose.
- Đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não của bạn đột nhiên bị gián đoạn. Sau đó mô não bị tổn thương. Hầu hết các cơn đột quỵ xảy ra do cục máu đông chặn một mạch máu trong não hoặc cổ. Đột quỵ có thể gây ra các vấn đề về vận động, đau, tê và các vấn đề về khả năng suy nghĩ, ghi nhớ hoặc nói. Một số người cũng có vấn đề về cảm xúc, chẳng hạn như trầm cảm sau một cơn đột quỵ.
Nếu bạn bị tiểu đường, khả năng bạn bị đột quỵ cao gấp 1,5 lần so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Nhưng bạn có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách chăm sóc sức khỏe của mình một cách hợp lý.
Cách phòng ngừa biến chứng từ bệnh tiểu đường
Theo các chuyên gia Nội tiết Đái tháo đường, muốn phòng và cải thiện biến chứng tiểu đường, chỉ giảm đường huyết là chưa đủ. Chữa tiểu đường không chỉ là ổn định đường huyết mà còn phải điều trị tốt các rối loạn chuyển hóa và bệnh cơ hội bằng cách kết hợp nhiều giải pháp khác nhau như:
- Ăn uống đúng cách
Để ổn định đường huyết không chỉ ăn uống có kiểm soát mà còn phải ăn uống đúng cách như ăn đúng giờ giấc để nồng độ đường ít bị tăng giảm thất thường. Mẹo nhỏ, bạn nên ăn một đĩa nhỏ rau củ quả vào đầu bữa để làm chậm quá trình tiêu hóa tinh bột sẽ ít bị tăng đường máu sau ăn.
- Phối hợp tốt cùng bác sĩ
Trung bình một tháng, một người bệnh đến gặp bác sĩ khoảng nửa giờ, số thời gian còn lại là người bệnh tự quản lý. Vì thế, không ai khác là người bệnh cần chủ động trong việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo được mức đường huyết lúc đói về càng sát ngưỡng bình thường càng tốt. Chỉ số đường huyết lý tưởng nhất là nhỏ hơn 7 mmol/l, HbA1c thấp hơn 7%. Tuy nhiên, chỉ số này sẽ không cố định mà phụ thuộc vào tuổi tác, thời gian mắc bệnh, các bệnh cơ hội đi kèm. Bạn hãy trao đổi với bác sĩ để biết các chỉ số mục tiêu của mình.
- Tập thể dục đều đặn và kiểm soát căng thẳng
Tập thể dục không chỉ giúp duy trì cân nặng, ổn định huyết áp mà còn làm giảm đề kháng insulin nên giúp ổn định nồng độ đường trong máu tốt hơn. Người bệnh không bỏ tập thể dục quá 2 ngày liên tiếp hoặc ngồi lâu liên tục >90 phút.
Giảm căng thẳng bằng cách ngủ đủ giấc, tập thở với cơ bụng hoặc tập thiền, yoga...
- Đo đường huyết bằng máy đo đường huyết định kỳ mỗi ngày
Ghi chép cẩn thận kết quả, thời gian đo đường huyết và những thông tin liên quan để có cơ sở theo dõi, so sánh, đánh giá tiến trình điều trị bệnh của bản thân.